Ngày 05/6 hàng năm được chọn là ngày Môi trường thế giới, dự kiến trong tháng 6 này cả nước có rất nhiều hoạt động bổ ích hưởng ứng ngày Môi trường thế giới. Nhân dịp này, tôi xin trao đổi một số vấn đề về bảo vệ môi trường ở Lào Cai.
Như chúng ta đã biết, môi trường bao gồm tất cả các yếu tố vô sinh và hữu sinh có tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến con người. Môi trường cung cấp cho ta không gian để sống, cung cấp nguồn tài nguyên để sản xuất nhưng đồng thời cũng là nơi chứa đựng chất thải do chính con người và thiên nhiên gây ra. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở lên nghiêm trọng, đang trở thành vấn đề nóng của toàn nhân loại, con người đã tác động quá nhiều đến môi trường, khai thác đến mức cạn kiệt các nguồn tài nguyên, thải nhiều chất độc làm cho môi trường không còn khả năng tự phân hủy, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, hủy hoại thiên nhiên. Chính vì vậy, cần phải chung tay bảo vệ môi trường.
Đối với Lào Cai, là tỉnh có thế mạnh phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, vì vậy Lào Cai cũng không tránh khỏi nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp Tằng Loỏng, các khu vực khai thác khoáng sản, đầu tư thủy điện, các khu đô thị, khu du lịch ở Lào Cai đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, đã có nhiều kiến nghị của nhân dân và cả những chất vấn của Đại biểu HĐND về những hoạt động gây tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của các khu dân cư, trong đó có những kiến nghị liên quan đến nhiều cấp, ngành, liên quan đến các chính sách vĩ mô chưa giải quyết được. Lào Cai đang đứng trước những vấn đề hết sức khó khăn khi phải giải quyết bốn mâu thuẫn, đó là: Mâu thuẫn giữa yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường với việc đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; mâu thuẫn giữa cơ sở kỹ thuật bảo vệ môi trường thấp kém với khối lượng chất thải đang ngày càng tăng; mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng tăng về đầu tư cho bảo vệ môi trường với khả năng hạn hẹp của ngân sách địa phương, cũng như khả năng đầu tư thấp của các doanh nghiệp và người dân; mâu thuẫn giữa nhận thức thấp của dân dân, ý thức, trách nhiệm chưa cao của các doanh nghiệp, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường , kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường thấp với những đòi hỏi phải nhanh chóng đưa công tác quản lý môi trường đi vào nề nếp.
Vậy, chúng ta phải làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường? Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, các bộ, ngành trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn về môi trường; nhiều công nghệ mới xử lý chất thải, các phát minh khoa học ra đời nhằm hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường… Còn Lào Cai, các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, công tác bảo vệ môi trường ở Lào Cai đã và đang được tuyên truyền rộng rãi đến các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và đông đảo người dân. Các biện pháp quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của khu dân cư…đang được các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả. Nhận thức của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân được lên rõ rệt, bằng chứng là tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân chấp hành đúng các quy định vủa pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tăng.
Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn như đã đề cập những mâu thuẫn ở trên. Để phát triển kinh tế – xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, Lào Cai cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực:
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là các đồng bào ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa qua các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức những buổi nói chuyện về vấn đề môi trường tại các đơn vị hành chính cấp phường, xã. Các doanh nghiệp, trường học. Phải tuyên truyền cho người dân, các cấp chính quyền hiểu rằng trách nhiệm bảo vệ môi trường không chỉ thuộc về nhà nước, cơ quan chuyên ngành về môi trường, mà là trách nhiệm chung của mọi người, mọi cấp, của cả cộng đồng, ai cũng đều phải có ý thức bảo vệ. Thường xuyên phát động những phong trào tình nguyện bảo vệ môi trường tại khu dân cư, khu vực công cộng như nhặt, thu gom rác, vệ sinh đường phố, trồng cây xanh, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, tận dụng rác thải để chế tác, sản xuất … Nâng cao hiểu biết, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức sang hành động cụ thể của mỗi cá nhân, tổ chức
Thứ hai, tập trung đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường. Trước mắt, huy động từ nhiều nguồn vốn, ưu tiên đầu tư các dự án xử lý chất thải tập trung tại khu Công nghiệp Tằng Loỏng, các khu công nghiệp lớn của tỉnh; khu du lịch tại Sa Pa, Bắc Hà, khu Thương mại – Công nghiệp Kim Thành, các khu đô thị tại thành phố Lào Cai…
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý môi trường của nhà nước; kiểm tra, thanh tra, xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm các vụ việc về môi trường, các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác quan trắc môi trường, nhất là tại các khu công nghiệp, khai thác khoáng sản, đầu tư thủy điện; các cơ sở y tế khám chữa bệnh; các nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch…
Thứ tư, Kiểm soát chặt chẽ vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tất cả các dự án phải đặt chỉ tiêu bảo vệ môi trường ngang bằng với chỉ tiêu lợi nhuận, lợi ích kinh tế để đánh giá hiệu quả dự án; kiên quyết thực hiện đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản dưới Luật.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý môi trường của các ngành, các cấp, từng bước kiện toàn bộ máy quản lý môi trường từ tỉnh xuống các xã; tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ, nhân viên quản lý môi trường theo đúng chuẩn mực. Bổ sung kinh phí hoạt động thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường
Thứ sáu, tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan: HĐND, UB Mặt trận tổ quốc các cấp; phối hợp giám sát, tuyên truyền, vận động của các đoàn thể (Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân…). Huy động cả hệ thống Chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, dân cư vào cuộc bảo vệ môi trường
Thứ bẩy, tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và các ngành Trung ương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế. Đồng thời gắn với vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phát triển
Tình trạng môi trường ở Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể giải quyết được nếu mỗi người chúng ta biết góp sức, chung tay bảo vệ môi trường. Vì tương lai một đất nước xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau, hãy bảo về môi trường để bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Nguyễn Thị Hồng Sen
Giám đốc Chi nhánh Công ty CP EJC tại Lào Cai