Chợ Nổi Cái Răng đẹp mà Môi trường chưa đẹp

0

Vừa qua tôi có dịp đến Cần Thơ và đến thăm chợ Nổi Cái Răng. Từ lâu tôi đã nghe nói nhiều về chợ Nổi Cái Răng với những loại trái cây nổi tiếng của Miền Tây. Quả thật, khi đến tôi đã thấy một sự tấp nập buôn bán trên sông: Hàng trăm tàu, thuyền các loại trở rất nhiều mặt hàng mà người dân mang đi bán và số lượng cũng không ít các tàu chở khách du lịch đến tham quan, mua bán tại Chợ. Khúc sông bỗng trở nên sôi động, kẻ rao, người gọi. Tôi cũng thấy háo hức khi nghĩ rằng sẽ được trực tiếp mua những loại trái cây ưa thích của khu miệt vườn mà tôi đã từng ao ước. Tất cả đều tuyệt vời nếu như tôi không bất chợt chứng kiến những cảnh tượng sau:

Khi chúng tôi vừa đến khu chợ, một chiếc ghe thuyền áp sát tàu của chúng tôi mời mua nước trái cây và cà phê; một vài người trên tàu mua cà phê và nước trái cây uống, người bán hàng nhanh nhẹn chuyển lái thuyền sang bằng chân, trong khi hai tay vẫn thoăn thoắt pha nước trái cây và cà phê. Mùi cà phê tỏa ra thơm lừng, hấp dẫn nhưng tôi băn khoăn không biết tay của người lái thuyền (kiêm bán hàng) ấy có sạch không khi vừa cầm hai mái chèo xong lại chuyển sang vắt hoa quả và pha cà phê. Có lẽ “độ sạch” của đôi tay ấy phụ thuộc vào “độ sạch” của hai mái chèo, trong khi “độ sạch” của hai mái chèo lại phụ thuộc vào “độ sạch” của hai bàn chân trần đi trên đất (không đeo dép) của người lái thuyền và “độ sạch” của đôi bàn chân người lái thuyền lại phụ thuộc vào “độ sạch” của đáy thuyền chứa bao thứ đựng đồ, ướt lép nhép. Mọi người cứ thử tưởng tượng nhé. Tiếp nữa, khi khách uống xong, trả lại cốc cho chủ (Cốc nhựa dùng 1 lần), người bán hàng không do dự, cầm vứt ngay xuống sông. Tôi trố mắt, ngạc nhiên.

Chưa hết, một chiếc ghe khác trở trái cây áp sát tàu chúng tôi. Đây mới là mục tiêu chính của Đoàn nên mọi người đều nhoài người xuống hỏi mua. Hai người bán hàng nhanh nhẹn bổ Sầu riêng, mít Tố nữ và các loại trái cây cho chúng tôi ăn thử. Bổ mới khéo làm sao, tất cả các múi trên quả mít Tố nữ đều nằm về một nửa dưới, phần nửa trên chỉ có vỏ. Bổ xong, tiện tay người bán hàng cầm nửa vỏ quả mít (khá to) quẳng  luôn xuống sông. Cứ như vậy, chỉ trong khoảng 15 – 20 phút  riêng một chiếc ghe đó đã có đến hơn 10 vỏ quả mít Tố nữ, vỏ Sầu Riêng và rất nhiều vỏ quả Chôm chôm, Măng cụt… bị vứt xuống sông. Tôi nhìn sang các tàu bên cạnh, cảnh tượng cũng không khác gì; thậm chí có tàu còn trở số lượng khách đông gấp hai, ba lần Đoàn chúng tôi thì lượng mua còn nhiều hơn nữa. Ngoài các ghe thuyền bán trái cây, nước giải khát còn có rất nhiều thuyền bán các mặt hàng khác mà theo đánh giá thường gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường như: Phở, hủ tiếu, thực phẩm ăn nhanh tại chỗ…Tất cả đồ ăn đều dùng bao bì sử dụng 1 lần và không nơi nào khác chính là lòng Sông Cần Thơ tiếp nhận chúng. Thử hỏi, với số lượng hàng trăm ghe thuyền bán hàng như vậy thì khúc sông họp chợ (khoảng 50.000m2) sẽ phải chứa bao nhiêu chất thải chỉ trong 4 giờ buổi sáng (Chợ Nổi thường chỉ diễn ra từ 5h đến 9h sáng)

Vẫn còn nữa, khi tàu quay trở về, lúc này tôi mới nhìn rõ khung cảnh hai bên bờ Sông Cần Thơ (Buổi sớm khi đi mới 5 giờ sáng, trời vẫn còn tối nên không thấy được). Dòng sông thơ mộng là vậy mà hỡi ôi! Rác thải đổ đầy hai bên bờ Sông. Không chỉ rác thải của các hộ gia đình mà còn cả rác thải của các cơ sở sản xuất (Chế biến hải sản, chế biến đồ gỗ…), nhà hàng và cả những khu chợ trên bờ  đều đổ ra Sông. Những bãi rác lớn, nhỏ nằm lồ lộ, phơi mình bên mép nước không biết đã bao lâu rồi mà không hiểu sao chưa có ai lên tiếng. Với đà xả rác như vậy, không biết Sông Cần Thơ còn phải oằn mình chịu đựng được bao lâu nữa? Tàu đi khá nhanh, tôi chỉ kịp chụp từ xa mấy hình ảnh về những bãi rác ven Sông Cần Thơ trên đường đến chợ Nổi Cái Răng. Xin gửi kèm theo bài viết này.

Chuyến đi Miền Tây đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc tốt đẹp về cảnh vật, về những địa danh gắn với những câu câu chuyện, những nhân vật (Đờn ca tài tử Cao Văn Lầu, Công tử Bạc Liêu, Đất Mũi….) và cả những con người nhân hậu, mến khách của Miền Tây. Nhưng chuyến đi cũng đem đến cho tôi điều không vui khi phải chứng kiến những cảnh tượng mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường ở trên.

Hy vọng rằng, các cấp, các ngành chức năng ở địa phương; những người dân và cả những khách du lịch chúng ta sớm nhận thức được nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên Sông Cần Thơ để có những giải pháp kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mỗi người chúng ta hãy có ý thức bảo vệ môi trường từ những hành vi nhỏ nhất, để Cần Thơ thực sự được biết đến với câu ca dao: “Cần Thơ gạo trắng nước trong; Ai đi đến đó lòng không muốn về”

Nguyễn Thị Hồng Sen

                                                Chi nhánh Công ty CP EJC tại Lào Cai