Chi thế nào cho hoạt động bảo vệ môi trường?

0

(moitruong.com.vn) Ngoài mức tăng thu quá cao đối với thuế bảo vệ môi trường (BVMT) xăng dầu, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn từ dư luận với loại thuế này như chi thế nào cho hoạt động BVMT, đã đánh giá đúng mặt hàng gây ô nhiễm lớn cần tăng thuế hay có phương án tăng thu nào để thay thế…?

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ ngành và địa phương để xin ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế BVMT, trong đó có đề nghị tăng thuế đối với một số hàng hóa và đề xuất có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Chi trực tiếp BVMT không quá 1%Mỗi lần Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế BVMT thì câu hỏi thường xuyên được đặt ra là bộ này đã chi thế nào cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT)? Theo Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN) quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

“Khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và được Quốc hội (QH) phê duyệt hằng năm” – Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Bộ Tài chính cho biết.

Thực tế, giai đoạn 2012-2016, chi cho BVMT từ NSNN tăng dần và mức bình quân mỗi năm cao hơn số thu thuế BVMT. Cụ thể, tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn này khoảng 131.857 tỉ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỉ đồng/năm. Còn số thu thuế BVMT là khoảng 105.985 tỉ đồng, bình quân 21.197 tỉ đồng/năm.

Cụ thể về mức chi cho từng nhiệm vụ, Bộ Tài chính cho biết trong tổng số chi thường xuyên cho BVMT khoảng 89.131 tỉ đồng, có 52.420 tỉ đồng là chi thường xuyên từ NSNN bố trí trực tiếp cho sự nghiệp BVMT, không quá 1% tổng chi NSNN.

Cùng mối lo lắng với thu – chi thuế BVMT, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nêu một số nước thu – chi cho BVMT được ghi ở mục riêng để dễ theo dõi. Còn ở Việt Nam, nguồn thu này hòa chung vào ngân sách nên không kiểm soát được việc chi có đúng và hiệu quả không? “Yêu cầu đặt ra là tăng thu thuế BVMT thì phải chi nhiều hơn cho môi trường, vì hiện nay tình hình ô nhiễm cũng căng thẳng” – ông Lưu Bích Hồ nói.

Thu thuế môi trường 4.000đ/lít xăng chi vào việc gì?

Phản ánh tới Báo Giao thông Vận tải, nhiều ý kiến người dân băn khoăn: Hàng năm, tiền thu từ thuế BVMT chi cho những việc gì? Bộ Tài chính cho biết, khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho nhiệm vụ chi cụ thể nào mà để chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và được Quốc hội phê duyệt hàng năm.

Trao đổi với PV Báo Giao thông Vận tải chiều 17/5, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính, giải thích thêm, theo nguyên tắc, thuế BVMT là khoản không bồi hoàn, hòa chung với ngân sách và chi cho nhiệm vụ chung của Nhà nước. “Thuế BVMT khác với phí bảo trì đường bộ, bởi phí bảo trì đường bộ là một loại phí (không phải thuế – PV) và có tính chất bồi hoàn theo Luật Phí và lệ phí”, ông Hưng lý giải.

Vậy, tiền thu thuế BVMT đang chi cho những nhiệm vụ cụ thể nào? Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2012-2016, chi thường xuyên cho BVMT khoảng 89.131 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên từ ngân sách T.Ư và địa phương bố trí trực tiếp cho BVMT khoảng 52.420 tỷ đồng; Chi thực hiện các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tiết kiệm, lâm nghiệp bền vững, nuôi trồng hải sản… 36.711 tỷ đồng.

Tăng thuế môi trường sẽ tác động đến toàn nền kinh tế ra sao?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng: “Xăng dầu đi vào tất cả các ngõ ngách của cuộc sống. Từ những doanh nghiệp kinh doanh sản xuất cho đến người dân đều sử dụng xăng dầu. Vì thế tăng thuế xăng dầu sẽ tác động đến toàn nền kinh tế.”

Việc áp thuế BVMT lên xăng sẽ làm tăng phí sinh hoạt của người dân, tăng phí sản xuất kinh doanh cho tất cả các doanh nghiệp đồng thời có thể dẫn đến lạm phát khi tất cả các chi phí, giá cả cũng tăng theo.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để biết được thuế BVMT được sử dụng đúng cách? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm: “Việc này chắc chắn bộ Tài chính phải theo dõi chặt chẽ đầu vào và đầu ra, đồng thời phải báo cáo lên Quốc hội từng kỳ một để người dân đều nắm được. Việc tăng thuế có thể là điều cần thiết nếu tiền thuế được sử dụng cho môi trường thật chính xác, thật sự có hiệu quả trong việc BVMT thì tôi ủng hộ.”

Phân tích vấn đề theo một hướng mới, chuyên gia Phạm Sỹ Thành cho rằng, phần lớn băn khoăn của người dân về tăng thuế BVMT đang dồn lên xăng dầu. Trong khi trên thực tế, một mặt hàng gây ô nhiễm môi trường hơn, nhưng lại chịu thuế môi trường thấp hơn là than đá.

“Một mặt hàng rất ô nhiễm là than đá không được nhắc tới, hiện thuế với than đá chỉ là 10.000 đồng/tấn. Có công bằng không khi người tiêu dùng phải trả phí môi trường nhiều hơn cho một mặt hàng không ô nhiễm bằng mặt hàng khác?

Tôi cho rằng ai gây ô nhiễm hơn phải đóng thuế cao hơn. Than đá liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp nhiệt điện, khai thác. Tại sao người dân lại phải đóng mức thuế cao hơn chứ không phải các doanh nghiệp kia?”.

Thanh Thảo (moitruong.com.vn/TH)